Rau húng là một loại rau phổ biến trong bữa ăn của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, nước ta có khá nhiều loại rau húng, vì vậy trong bài viết lần này chúng tôi sẽ giúp các bạn phân biệt các loại rau húng phổ biến ở Việt Nam.
Nội Dung Chính
Rau húng chó, húng quế
Húng chó hay còn gọi là húng quế có chiều cao khoảng 40-60cm, thân rau có lông, lá thuôn dài màu xanh, mọc đối xứng hai bên. Hoa mọc thành từng chùm nhỏ màu trắng hoặc hơi tím. Hạt đen nhánh, khi ngâm vào nước có màu trắng xung quanh.
Cả lá và hoa rau húng quế đều có thể dùng ăn sống hoặc nấu chín. Tuy nhiên, với mùi thơm gần giống với mùi thơm của đinh hương nên húng quế được sử dụng phổ biến làm hương liệu trong các món phở, mì, salad,…
Húng quế có tác dụng rất tốt cho hệ tiêu hóa và thần kinh, làm dịu chứng đầy hơi, co thắt dạ dày, đau bụng, khó tiêu, chữa cảm lạnh, cảm cúm. Húng quế còn được sử dụng để điều trị mụn trứng cá, vết côn trùng đốt, nhiễm trùng da.
Rau húng lủi
Còn được biết tới với nhiều cái tên na ná nhau như húng lũi, húng nhủi, húng dũi. Húng lủi có lá hơi tròn màu xanh, mọc đối xứng nhau, mép lá khía răng cưa. Thân màu nâu tía, có chia thành từng đốt khá ngắn khoảng 2cm. Húng lủi và rau bạc hà nhìn bề ngoài rất khó phân biệt vì nhìn lá đều giống nhau. Tuy nhiên lá bạc hà xanh đậm, cả hai mặt của lá đều có lớp lông tơ nhỏ.
Với mùi vị thơm đặc biệt, húng lủi được sử dụng nhiều trong món ăn hàng ngày, từ gia vị chấm cho tới một loại rau ăn kèm các món ăn. Bên cạnh đó, húng lủi còn được cho là một loại thảo dược quý phổ biến để chữa trị các bệnh như viêm họng, hen suyễn, cảm cúm. Ngoài ra, nó còn được sử dụng để đuổi các loại côn trùng, đặc biệt là muỗi.
Húng lủi có nguồn gốc hoang dã nên phát triển rất tốt, cũng rất dễ dàng để trồng và chăm sóc. Bạn có thể tách bụi hoặc ngắt lấy cành để giâm đều được.
Rau húng chanh
Húng chanh có lá hình bầu dục hẹp, thuôn dài. Khác so với các loại rau húng khác, mép lá húng chó nhẵn mịn, không có khía cạnh răng cưa. Thân rau hình vuông, có lớp lông tơ trắng mịn, mọc cao khoảng 20 – 40 cm. Lá mọc đối xứng nhau, màu xanh nhạt. Hoa màu trắng và thường nở vào mùa hè.
Đúng với cái tên húng chanh, toàn thân của nó đều toát lên mùi như quả chanh. Đây là một gia vị không thể thiếu khi ướp cá, thịt hay ăn sống kèm với các món khác.
Húng chanh có hàm lượng beta-carotene vừa phải và hàm lượng vitamin K cao, nổi tiếng với đặc tính chống viêm. Húng chanh có chứa nhiều mangan, đồng và vitamin C, và chứa canxi, folate, sắt và magiê, tất cả đều là các chất tốt cho cơ thể. Dầu dễ bay hơi có trong húng chanh, như linalool, nerol và citral rất tốt trong việc sử dụng để kháng khuẩn, nhất là các vùng miệng, họng, mũi. Ngoài ra, húng chanh cũng là một thảo dược tốt dùng để hạ sốt, sổ mũi.
Hiện nay, húng chanh còn được dùng để chiết xuất tinh dầu, sử dụng hỗ trợ cho hệ tiêu hóa hay thanh lọc không khí, mùi hương giúp thư giãn tinh thần.
Các loại rau húng khác
Bên cạnh 3 loại rau húng vừa liệt kê ở trên, chúng ta vẫn thấy mọi người nhắc tới nhiều loại rau húng khác như: húng chó, húng láng, húng bạc hà,… Tuy nhiên, những cái tên đó chỉ là những tên gọi khác của 3 loại húng kể trên. Tùy thuộc vào từng vùng miền và thói quen mà mọi người gọi bằng những cái tên khác nhau.
Húng láng là cách gọi của người Hà Thành để chỉ chung các loại rau thơm. Người dân gọi là húng láng vì các loại rau thơm được trồng ở Láng (thuộc phương Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) từ thời xưa đã nổi tiếng hàng đầu với các loại rau thơm. Chứ nó không phải là một loại rau húng riêng.
Một số tác dụng phụ của rau húng bạn cần phải biết
Là một loại thực phẩm tốt, thảo dược vàng cho sức khỏe, tuy nhiên nếu sử dụng quá nhiều sẽ gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Do vậy, bạn cần biết được các tác dụng phụ khi sử dụng quá nhiều rau húng sẽ liệt kê dưới đây:
- Ho, thở gấp, có lẫn máu trong nước tiểu: trong húng quế thành phần chủ yếu là chất eugenol, nếu cơ thể nạp quá nhiều chất này sẽ dẫn tới gây ngộ độc.
- Hạ đường huyết: Nếu như húng quế có tác dụng để hạ đường huyết xuống mức an toàn cho các bệnh nhân mắc chứng bệnh đường huyết cao thì đối với những bệnh nhân bị tiểu đường hay có tiền sử hạ đường huyết, húng quế sẽ khiến lượng đường trong máu hạ quá thấp.
- Ảnh hưởng đến thai phụ: đối với các thai phụ, dùng quá nhiều rau húng sẽ gây ra kích thích các cơn co thắt tử dung hay cũng có ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ nói chung.
Để tránh các tình huống xấu nhất ảnh hưởng cho sức khỏe, khi sử dụng rau húng có các triệu chứng trên, bạn cần tới ngay để gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời và đúng cách.
Tham khảo thêm
Hi vọng là với bài viết này sẽ giúp các bạn phân biệt được các loại rau húng phổ biến, xuất hiện hàng ngày trong bữa ăn của mình.